Contents
- 1 Cuộc chiến giữa các sản phẩm iPhone của nhà Táo với smartphone Android gần như chưa bao giờ đề cập nhiều tới cấu hình. Thậm chí Apple cũng hiếm khi đưa ra các thông số kỹ thuật trên sản phẩm của mình tại các sự kiện ra mắt, lí do vì sao?
- 1.0.1 Apple – Kẻ lảng tránh truyền thông?
- 1.0.2 Apple không trốn tránh đối thủ, chỉ là họ muốn người dùng xem mình là duy nhất
- 1.0.3 Không phải Apple sợ thua khi đọ cấu hình, chỉ là họ muốn làm bẽ mặt những kẻ “thùng rỗng kêu to”
- 1.0.4 Triết lý “Im lặng là vàng” trong chiến lược truyền thông của Apple
- 1.0.5 Tạm kết
Cuộc chiến giữa các sản phẩm iPhone của nhà Táo với smartphone Android gần như chưa bao giờ đề cập nhiều tới cấu hình. Thậm chí Apple cũng hiếm khi đưa ra các thông số kỹ thuật trên sản phẩm của mình tại các sự kiện ra mắt, lí do vì sao?
Apple – Kẻ lảng tránh truyền thông?
Trước tiên, hãy cùng nhau nhớ lại sự khác biệt trong các sự kiện ra mắt sản phẩm mới từ nhà Táo và các hãng smartphone Android khác. Trong khi các nhà sản xuất như Huawei, Samsung, Xiaomi thường đem những con số về thông số cấu hình ra để nói chuyện, so sánh với các đối thủ cạnh tranh thì Apple lại đi theo một chiều hướng ngược lại, họ giấu nhẹm đi những điều đó.
Xu hướng của các nhà sản xuất Android là dùng cấu hình để chọi nhau, chẳng hạn như đem dung lượng pin, điểm benchmark hay thông số camera để so sánh với các sản phẩm của các tên tuổi khác, và đương nhiên là không thể thiếu Apple. Và việc châm chọc và đá xéo lẫn nhau đã trở thành một “thú vui” không thể thiếu của các hãng Android trong mỗi sự kiện ra mắt.
Trong khi đó, những gì chúng ta nghe được về những chiếc iPhone mới chỉ là “Đây là chiếc iPhone tốt nhất mà chúng tôi từng tạo ra”, họ thậm chí còn chả thèm đá động tới các nhà sản xuất Android khác. Apple thường chỉ so sánh sản phẩm đời này với những phiên bản tiền nhiệm, chẳng hạn như thời lượng pin trên chiếc iPhone 11 Pro kéo dài hơn 4 giờ so với phiên bản iPhone XS, hay chip A13 Bionic có điểm hiệu năng vượt trội bao nhiêu % so với thế hệ trước đó.
Để biết được con số chính xác về dung lượng pin chính xác hay bộ nhớ RAM trên mỗi chiếc iPhone mới, chúng ta phải đợi sau sự kiện ra mắt hoặc tra cứu trên các trang web uy tín như GSMArena.
Bên cạnh đó, trong khi các hãng smartphone Android thường truyền thông, quảng bá các tính năng trên những chiếc smartphone mới của mình bằng các đoạn clip, hình ảnh bắt mắt được đăng tải trên Fanpage chính thức và các diễn đàn thì Fanpage của Apple lại “vắng như chùa bà Đanh”. Những gì nhà Táo làm chỉ là đổi ảnh đại điện, đổi ảnh bìa mỗi khi có sản phẩm mới sắp được trình làng.
Vậy tại sao Apple lại ít khi đề cập tới cấu hình sản phẩm, vì sao nhà Táo lại trốn tránh việc đem lên bàn cân để so sánh với đối thủ của mình? Phải chăng họ đang lo sợ điều gì đó hay còn những lí do nào khác? Hãy cùng phân tích trong bài viết dưới đây nhé.
Apple không trốn tránh đối thủ, chỉ là họ muốn người dùng xem mình là duy nhất
Không phải tự nhiên là Apple lại chỉ so sánh sản phẩm đời mới với các phiên bản tiền nhiệm mà chẳng màng tới các đối thủ khác, tất cả đều xuất phát từ một mục đích lớn hơn cũng như “sự chảnh chọe” của nhà Táo. Có thể để ý rằng, với các mẫu smartphone Android, mỗi khi có sản phẩm mới ra mắt, người dùng thường cân nhắc rằng mình lên lựa chọn của hãng nào, sản phẩm nào mới thực sự phù hợp hơn.
Còn với iPhone, Apple chỉ so sánh sản phẩm giữa các thế hệ với nhau, điều này có nghĩa là họ muốn người dùng chỉ nghĩ đến iPhone mỗi khi có ý định mua điện thoại. “Liệu iPhone mới có đáng để mua không”, “Đang sở hữu iPhone đời cũ thì có nên nâng cấp lên iPhone mới?”, “Nên mua chiếc iPhone nào?”,… Đây mới là những câu hỏi mà Apple muốn người dùng phải nghĩ tới thay vì loay hoay và bận tâm tới các sản phẩm của những hãng khác.
Có thể thấy, chiến lược và động thái này của Apple thể hiện sự độc đáo và khôn ngoan của Táo khuyết trong việc thu hút sự chú ý của người dùng. Cách tiếp cận này giúp người xem chỉ để ý tới sản phẩm của Apple mà không bị phân tán tới các smartphone khác, cũng như nhìn nhận được iPhone đã có sự cải tiến thế nào qua các năm. Apple giống như một cố gái với tính cách ích kỷ và “chảnh chọe”, chỉ muốn mọi người nghĩ đến mình mà thôi.
Không phải Apple sợ thua khi đọ cấu hình, chỉ là họ muốn làm bẽ mặt những kẻ “thùng rỗng kêu to”
Nói về cấu hình và các thông số kỹ thuật khác trên những chiếc điện thoại mới, đây là điều mà các hãng smartphone Android thích đem ra để so sánh, và cũng để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình trên thị trường. Tuy nhiên, Apple không khoe cấu hình không phải là vì sợ thua thiệt trong cuộc đấu này, thực tế là iPhone vẫn luôn ở đẳng cấp khác khi xét về hiệu năng với phần còn lại của làng di động.
Nói về việc so sánh cấu hình, iPhone sẽ dễ dàng bị lép vế nếu chúng ta chỉ nhìn phần nổi, làm thế nào để khoe chiếc iPhone của mình có 4GB RAM trong khi các tên tuổi khác đã ở mức gấp 2, gấp 3 hoặc thậm chí là nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, Apple và Android đang ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, 4GB RAM không có nghĩa là iPhone sẽ xử lý đa nhiệm kém hơn smartphone Android 8GB RAM.
Apple chỉ là đang tìm một cách thông minh hơn để đưa những điểm nổi trội trên sản phẩm của mình tới người xem mà không phải nhận những bất lợi chỉ trên giấy tờ. Bên cạnh đó, họ chả thèm khoe cấu hình hay hiệu năng, mặc cho các hãng khác vẫn khua môi múa mép rằng smartphone của chúng tôi có RAM lớn, chip xử lý mạnh abc xyzz,… Nhưng kết quả thì sao, các bài test hiệu năng thì iPhone vẫn cho các flagship Android hít khói.
Sự im lặng của Apple rõ ràng là một cách cư xử “sang chảnh” của một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt, họ chẳng thích khoe khoang, không thích phô bày, những gì Apple làm được là giá trị mà người dùng cảm nhận được hàng ngày. Chính điều này sẽ làm cho những tên tuổi khác có thể phải bẽ mặt.
Ngoài ra, việc không nói nhiều về cấu hình sản phẩm cũng giúp các mẫu iPhone mới của nhà Táo thu hút được sự chú ý và tò mò nhiều hơn, trở thành tâm điểm tìm kiếm và “lùng sục” từ cộng đồng công nghệ. Họ sẽ luôn tò mò là thực chất mẫu iPhone mới có dung lượng pin bao nhiêu, bộ nhớ RAM bao nhiêu GB,… Đây quả thực là một chiến lược thông minh.
Triết lý “Im lặng là vàng” trong chiến lược truyền thông của Apple
Không thích truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội không có nghĩa là sản phẩm của Apple không tốt, tất cả đều ẩn chứa lí do lớn hơn đằng sau. Người dùng hiện nay bị nhồi nhét quá nhiều quảng cáo, truyền thông về các sản phẩm mới, điều này làm họ bị rối và đôi khi cảm thấy khó chịu. Do đó, Apple chọn cách giữ im lặng, để giúp người dùng có những lựa chọn sáng suốt hơn thay vì bị truyền thông “dắt mũi”.
Bên cạnh đó, ở một đẳng cấp như Apple, họ chẳng phải làm gì nhiều cả, chỉ một “hơi thở” nhỏ của nhà Táo cũng khiến cả cộng đồng công nghệ nháo nhào và quan tâm tới. Điển hình như sự ra mắt thầm lặng của chiếc iPhone SE 2020 đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới từ trước khi ra mắt đến khi trình làng, thậm chí là đến tận bây giờ.
Đồng thời, các quảng cáo của Apple cũng không nói quá nhiều về các thông số hoặc tính năng “vô nghĩa”, họ tập trung vào trải nghiệm của người dùng nhiều hơn. Mua chiếc iPhone mới này thì người dùng sẽ có được những gì, trải nghiệm có mượt mà không, có những tính năng nào hữu ích phục vụ cho từng mục đích thực tiễn nào,…
Còn một khi Apple đã lên tiếng thì chắc chắn họ sẽ làm điều gì đó to lớn và vĩ đại hơn, chẳng hạn như các sự kiện ra mắt iPhone mới, sự kiện WWDC hàng năm với nhiều sản phẩm đáng chờ đợi cũng như phiên bản hệ điều hành mới. Apple đang sử dụng triết lý “Im lặng là vàng” trong chiến lược truyền thông của mình. Tương tự vậy, các đoạn video quảng cáo của Apple luôn được nghiên cứu chỉn chu và đầu tư bài bản trước khi phát sóng.
Tạm kết
Apple không nói không có nghĩa là Apple làm không tốt, thậm chí họ làm còn tốt hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Điều mà Apple làm chính mà mong muốn người dùng có được những cảm nhận thực tế, trải nghiệm chính xác nhất chứ không phải những thứ quảng cáo xa hoa. Chính điều này đã tạo nên một Apple sang chảnh, thời thượng hơn rất nhiều so với phần còn lại!